Biết “đòi” nhưng không nhất định phải “được” Có một câu ngạn ngữ: “Nếu không biết đòi cho những gì mình muốn, bạn sẽ không bao giờ được”. Câu nói này dĩ nhiên không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó có ý nghĩa trong nhiều trường hợp. Bạn không thể trách bà chủ nếu bà ấy không hề biết bạn muốn được tăng lương. Bạn mời ai đó đi ăn với ý định khai thác một số ý kiến của họ, nhưng lại không đặt câu hỏi nên kết cục chẳng nhận được ý kiến nào. Cũng như bạn muốn bán hàng thì phải biết chào hàng để mời người mua. Vấn đề duy nhất quan điểm này bỏ qua là tuy nhiên, có những lúc bạn đã hỏi, đã đòi nhưng vẫn không có được những gì mình muốn. Và đây chính là điểm câu ngạn ngữ nếu hiểu theo đúng nghĩa đen, sẽ là thứ quan niệm làm bạn phải thất vọng.
Bạn chỉ có một cách để ngăn ngừa nỗi thất vọng này, đó là đừng nhất quyết phải có bằng được kết quả bạn mong muốn. Nói một cách khác, bạn đã rất can đảm, đã làm được điều quan trọng và lớn lao khi dám đòi hỏi. Nhưng nếu để phụ thuộc vào kết quả, bạn sẽ tự đưa mình vào một chuỗi những thất vọng liên tiếp của cuộc sống. Bạn chỉ có thể hạnh phúc một khi có được chính xác những gì mình muốn và khi cuộc đời trải sẵn những gì mình chờ đợi mà thôi. Tuy nhiên, nếu bạn độc lập trước kết quả, bạn sẽ là người chiến thắng trong mọi trường hợp – dù được, dù không.
Bí quyết ở đây là đừng nhìn kết quả từ góc độ chỉ liên quan đến mình bạn. Ví dụ bạn muốn tăng lương, nhưng yêu cầu của bạn có thể được và cũng có thể không, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác không liên quan đến bạn: quy tắc chung, ngân sách công ty, ảnh hưởng đến những nhân viên khác v.v… Tương tự, bạn chào hàng nhưng còn phụ thuộc vào chuyện khách hàng của bạn có muốn mua hay không, có khả năng mua hay không.
Dennis là nhân viên kế toán cho một công ty kinh doanh hệ thống cửa hàng tạp phẩm. Anh rất thích công việc của mình ngoại trừ một điều – phòng làm việc của anh không có cửa sổ. Thế rồi Dennis quyết định nói chuyện với ông chủ, xin đổi cho mình một phòng làm việc khác. Anh trình bày nhẹ nhàng, từ tốn rằng mình rất yêu thích công việc đang làm, duy chỉ có điều mình cảm thấy hơi tù túng. Một, hai tuần sau, anh viết đôi lời cảm ơn gửi sếp vì sếp đã quan tâm và lắng nghe những gì anh nói. Trong đó không hề đề cập lại đến đòi hỏi của mình.
Gần đây nhất, khi tôi nói chuyện với Dennis, anh vẫn chưa được chuyển văn phòng. Nhưng anh cho biết anh cảm thấy rất thoải mái. Anh đã làm hết những gì có thể. Ông chủ nói sẽ lưu ý đến vấn đề này và nhất định sẽ sắp xếp cho anh một phòng làm việc khác khi có điều kiện. Dennis tin tưởng ở điều này.
Tôi rất thích câu chuyện về Dennis bởi nó chứng minh người ta không nhất thiết phải “được” ngay những gì mình “đòi” mà vẫn cảm thấy thoải mái.
Trong bao năm công tác, tôi đã từng gọi điện, từng viết thư mà không bao giờ được hồi đáp. Tôi hiểu rằng mọi người đều quá tải và vì thế, không thể giúp đỡ cho tôi. Tôi cố gắng hướng suy nghĩ đến rất nhiều những lần khác, trường hợp khác được hồi đáp. Tôi học được một điều: chuyện gì có thể thì đã có thể, còn nếu không thì cũng chẳng sao. Bí quyết thành công ở chỗ: Vẫn tiếp tục, vẫn cố gắng nhưng không để phụ thuộc vào kết quả.
Đôi khi, bạn cũng nên thử đặt mình vào hoàn cảnh của người được yêu cầu. Cách đây nhiều năm, có lần tôi muốn được tham vấn với bác sĩ tâm lý nọ. Họ trả lời tôi ông không nhận thêm khách hàng mới và mặc cho tôi năn nỉ đến đâu, tôi vẫn không thể thuyết phục được họ. Cuối cùng, khi tôi nói với cô tiếp tân bằng một giọng mất hết kiên nhẫn rằng tôi rất muốn được gặp ông ấy, cô tiếp tân trả lời tôi điềm đạm, lịch sự: “Tôi thành thật xin lỗi ông, ông Carlson. Nhưng bác sĩ có một sổ chờ là 3 năm. Bác sĩ làm việc 6 ngày một tuần, 12 giờ mỗi ngày và 5 năm nay, chưa một ngày nghỉ làm. Bác sĩ đã cố hết sức và cũng cần phải có cuộc sống riêng của bác sĩ”. Điều này quả làm tôi được tỉnh ngộ.
Không chỉ có thế, khi bạn biết “đòi” mà không nhất thiết phải “được”, bạn đôi khi được hưởng lợi. Một ví dụ là cách đây vài năm, có lần tôi đáp xuống Atlanta vào lúc đêm khuya. Khách sạn bị quá tải và đầy phòng mặc dù tôi và cả một số người khác đã đặt trước. Một người đàn ông đến trước tôi tỏ ra vô cùng giận dữ, thái đội dọa nạt. Ông nhất định muốn có một phòng cho mình, la hét nổi bão tố với cô tiếp tân mà quên rằng đây không phải là lỗi của cô ấy.
Đến phiên tôi, tôi bước đến bên quầy tiếp tân. Bằng một giọng nói lịch sự, tôi tỏ ý thông cảm cho tình huống khó xử này của họ và đề nghị cô tiếp tân tìm giúp cho tôi một khách sạn nào khác ở gần đó. Tôi chỉ yêu cầu mà không hề tỏ ra khăng khăng.
Thế rồi cô tiếp tân, vẫn rất nhã nhặn và biết lỗi, nói với tôi sau khi rà hết lại các phòng, cô chợt nhận thấy có một khách đã rời khỏi khách sạn vì lý do riêng và sẽ không quay lại. Vậy là, tôi được thu xếp một phòng đặc biệt, nhờ vào thái độ kiên nhẫn của mình.
Câu hỏi ở đây là, tại sao cô tiếp tân đã không nhớ ra căn phòng này khi tiếp người đàn ông giận dữ kia? Ông ta đến trước tôi, chưa kể đến nhiều người khác cũng đang tuyệt vọng, muốn có một chỗ trú chân như tôi. Tôi cho rằng câu trả lời khá rõ ràng. Chính thái độ khăng khăng đã tạo áp lực, và làm cô “quên mất”. Ngược lại khi nói chuyện với tôi, cô được thoải mái, thư giãn, làm kích thích trí nhớ và tôi nhờ thế có được chỗ nghỉ ngơi đúng vào lúc cần thiết nhất. Tóm lại, hãy biết “đòi” cho những gì bạn muốn, nhưng đừng nhất định phải “được”
Richard Carlson